📖 Câu chuyện về cái RĂNG KHÔN 🦷– Phần 4: Khi nào bạn nên “tạm biệt” chiếc răng khôn của mình?
Chiếc răng khôn mọc không đúng cách có thể gây ra những "rắc rối" nào cho bạn?
Nếu không có đủ chỗ để mọc, răng khôn có thể lên không đúng vị trí (mọc lệch, mọc ngầm trong xương hoặc dưới lợi) và có thể gây ra một số vấn đề như:
- Giắt răng
- Đau răng, sưng lợi
- Sâu răng
- Bệnh nha chu
- Nang (do tụ dịch quanh răng) có thể gây tổn hại đến chân răng của các răng xung quanh hoặc gây tiêu xương
- Nhiễm khuẩn (trong trường hợp nặng có thể dẫn đến áp xe)
Vậy khi nào bạn nên tạm biệt chiếc răng khôn của mình?
Nhìn chung, răng khôn có thể cần phải nhổ khi xuất hiện một trong các vấn đề liệt kê ở trên. Nha sĩ cũng có thể tư vấn nhổ răng khôn như một phần trong kế hoạch nắn chỉnh.
Khi phát hiện những dấu hiệu như (i) sưng đau lợi, hoặc nhìn thấy đốm trắng ở vùng lợi sau răng số 7, (ii) đau hàm, đau vùng mặt do răng khôn tạo áp lực lên các dây thần kinh hoặc răng bên cạnh, (iii) có nang, bạn nên đến ngay nha sĩ để được thăm khám.
Đôi khi có những chiếc răng khôn “rắc rối” lại mọc một cách “âm thầm” và không có biểu hiện. Vì vậy, trong giai đoạn mọc răng khôn các bạn cũng nên khám định kỳ để có thể phát hiện sớm những chiếc răng rắc rối này.
Tham khảo:
American Dental Association. Wisdom Teeth. https://www.mouthhealthy.org/all-topics-a-z/wisdom-teeth.
National Health Service (NHS UK). Wisdom tooth removal. https://www.nhs.uk/conditions/wisdom-tooth-removal
📖Câu chuyện về cái RĂNG KHÔN 🦷 – Phần 3: Có phải ai cũng mọc răng khôn❓
Cứ 5 người sẽ có 1 người không mọc răng khôn!
Không phải tất cả mọi người đều mọc đầy đủ các răng. Hiện tượng thiếu răng là biến dị phát triển (𝘥𝘦𝘷𝘦𝘭𝘰𝘱𝘮𝘦𝘯𝘵𝘢𝘭 𝘢𝘯𝘰𝘮𝘢𝘭𝘺) phổ biến nhất của răng người với tỉ lệ khoảng 6,4% dân số. Thiếu răng thường xảy ra nhất ở răng khôn (𝘛𝘩𝘪𝘳𝘥 𝘔𝘰𝘭𝘢𝘳 𝘈𝘨𝘦𝘯𝘦𝘴𝘪𝘴). Tuy nhiên thiếu răng khôn không được coi là bệnh lý mà là sự thích nghi trong quá trình tiến hóa. Tỷ lệ thiếu răng khôn trên thế giới là khoảng 22,6%, trong đó châu Á có tỉ lệ cao nhất (29,7%).
Răng khôn đang dần biến mất trong quá trình tiến hóa!
Các nghiên cứu cho thấy việc mọc răng khôn phụ thuộc vào cả gen lẫn các yếu tố môi trường. Một số đột biến gen xảy ra hàng ngàn năm về trước đã ngăn cản sự hình thành của răng khôn. Do biến dị này “có lợi” (người mang gen không bị tác động bởi các răng khôn mọc lệch, mọc ngầm) nên các gen “thiếu răng khôn” này đã dần trở nên phổ biến hơn trong quần thể. Mặc dù yếu tố chọn lọc này có thể giảm đi do sự tiến bộ của ngành nha khoa nhưng các nhà khoa học cho rằng hiện tượng thiếu răng khôn vẫn sẽ ngày càng phổ biến hơn.
Tham khảo
- Scheiwiller, M., Oeschger, E. S. & Gkantidis, N. Third molar agenesis in modern humans with and without agenesis of other teeth. PeerJ 8, e10367 (2020).
- Wisdom teeth and genetics: Why some people do not have wisdom teeth | Medicover Genetics. https://medicover-genetics.com/wisdom-teeth-and-genetics-why-some-people-do-not-have-wisdom-teeth/ (2023).
- Sujon, M. K., Alam, M. K. & Rahman, S. A. Prevalence of Third Molar Agenesis: Associated Dental Anomalies in Non-Syndromic 5923 Patients. PLoS One 11, e0162070 (2016).
📖Câu chuyện về cái RĂNG KHÔN – Phần 2: Răng khôn có vai trò gì hay không❓
Răng khôn có một lịch sử thú vị, bắt đầu từ cách đây cả triệu năm theo quá trình tiến hoá của tổ tiên loài người. Trong quá khứ, tổ tiên loài người chủ yếu ăn thức ăn thô, không qua chế biến, và vì vậy cần nhai nhiều hơn. Kết quả là người tối cổ có hàm to hơn và có cung răng kéo dài để có chỗ cho nhiều răng hàm hơn.
Vai trò chính của răng khôn là thay thế cho các răng hàm có thể bị mất do mài mòn hay nứt gãy vì chế độ ăn thô. Người tối cổ thường mất răng do tuổi tác và việc răng khôn mọc sau là một sự thích nghi có giá trị để đảm bảo chức năng ăn nhai và tiêu hóa.
Tuy nhiên sự tiến hóa về mặt xã hội (trồng trọt, chăn nuôi, nấu nướng…) đã khiến loài người dần chuyển đổi chế độ ăn uống sang thức ăn tinh và đã quá chế biến. Qua thời gian, hàm của con người dần dần thu nhỏ lại dẫn đến thiếu chỗ cho răng khôn mọc lên “thẳng thớm”. Việc này khiến cho răng khôn có thể bị mọc ngầm, mọc lệch, gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe răng miệng.
Thật may mắn vì con người hiện đại không cần răng khôn để ăn nhai. Do vậy việc nhổ đi những chiếc răng khôn gây rắc rối sẽ không làm ảnh hưởng đến chức năng ăn uống bình thường của chúng ta.
Tham khảo:
Bharathi, A., Babu, Y. & Mohanraj, K. Vestigiality of wisdom teeth in relation to human evolution and lifestyle modification: A cross-sectional study. Drug Invention Today 10, 1899–1902 (2018).
Dentalmatters. The Wisdom Behind Wisdom Teeth: Understanding Their Purpose and Evolution. (2023).
Hình ảnh:
Australopithecus and Kin | Learn Science at Scitable. https://www.nature.com/scitable/knowledge/library/australopithecus-and-kin-145077614/.
📖Câu chuyện về cái RĂNG KHÔN – Phần 1: Tại sao gọi là răng khôn?
Ai đã từng có trải nghiệm với chiếc răng này chắc cùng đều đồng thuận “răng khôn mà không khôn tí nào”. Vậy tên gọi răng khôn từ đâu mà có🧐❓
Răng khôn (răng hàm lớn thứ ba, được đánh số thứ tự là 8 trên cung hàm) thường “xuất hiện” trong giai đoạn tuổi teen/thanh niên (17 – 21 tuổi). Do vậy việc mọc răng số 8 thường được xem là dấu hiệu của một người đã trưởng thành và trở nên thông thái hơn.
Trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức răng này cũng được đặt tên là “răng thông thái” (🇬🇧 wisdom tooth/🇫🇷 dents de sagesse/🇩🇪Weisheitszahn) với cùng lý do.
Người Ý và người Tây Ban Nha gọi răng này là 🇮🇹Dente del giudizio/🇪🇸muelas del juicio (tooth/molar of judgement) với ý nghĩa tương tự: việc mọc răng 8 là dấu hiệu của một người có khả năng đánh giá sự việc tốt hơn.
Các bạn nào biết răng khôn trong các ngôn ngữ khác được gọi như thế nào không ạ?
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, trên thế giới có khoảng 3,5 TỶ NGƯỜI bị ảnh hưởng bởi các bệnh về răng miệng (số liệu năm 2019 của cơ sở dữ liệu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu GBD). Số ca bệnh răng miệng nhiều hơn 1 tỷ ca so với tổng số ca của 5 nhóm bệnh không lây nhiễm còn lại (gồm rối loạn tâm thần, tim mạch, tiểu đường, bệnh đường hô hấp mạn tính và ung thư).
Gánh nặng bệnh tật do các bệnh về răng miệng ước tính là 380 tỷ USD cho năm 2019. Đây là 1 con số cao gấp 14 LẦN GIÁ TRỊ KHO BÁU hiện đang khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Để giảm bớt gánh nặng này, các bạn hãy định kỳ thăm khám và để ngăn ngừa và điều trị kịp thời các bệnh về răng miệng nhé!
Báo cáo Global OralHealth Status 2022 của WHO được đăng tải tại https://www.who.int/publications/i/item/9789240061484
Trong số 3,5 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về răng miệng thì có đến 2,5 tỷ người bị sâu răng (gồm cả răng sữa và răng vĩnh viễn).
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo việc đánh răng hai lần một ngày với thuốc đánh răng có chứa fluor là yếu tố quan trọng giúp hạn chế sâu răng. Các biện pháp sau đây cũng được khuyến cáo để nâng cao sức khỏe răng miệng nói chung và hạn chế sâu răng nói riêng:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, ít đường, nhiều rau và hoa quả, ưu tiên nước là thức uống chính
- Ngừng sử dụng thuốc lá ở tất cả các dạng
- Giảm tiêu thụ cồn
Cuối cùng, các bạn đừng quên thăm khám răng định kỳ nhé! Việc này có thế giúp giảm nguy cơ cũng như phát hiện và điều trị sớm sâu răng, tránh được các biến chứng nặng hơn như viêm tủy, viêm nha chu hay thậm chí là mất răng.